Làm thế nào để không lặp lại các mối quan hệ tiêu cực và có kết nối sâu sắc với người khác?
- My Nguyen
- 19 thg 10, 2021
- 5 phút đọc

Mình nhận được một số câu hỏi như “Chị ơi tại sao em cứ hẹn hò và rồi nhanh chóng chia tay vì cùng một lý do?” Hoặc cũng có người hỏi rằng làm thế nào để em không có các mối quan hệ tiêu cực giống như với người yêu cũ nữa?
Trong quá trình tư vấn mình nhận thấy khá nhiều người có xu hướng lặp lại lối hành xử và cả cách kết thúc trong các mối quan hệ yêu đương. Vấn đề là nếu điều đó không lành mạnh thì sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội được yêu thương và hạnh phúc trọn vẹn. Việc này còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và khiến chúng ta luôn thiếu năng lượng trong công việc cũng như cuộc sống.
Để thay đổi là không dễ bởi ít người nhận ra mình đang vô thức lựa chọn một kiểu người với tính cách nào đó hoặc cư xử giống nhau trong các mối quan hệ. Tuy vậy cũng đừng lo lắng, chúng ta hoàn toàn có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn này bằng cách hiểu lý do mình làm vậy, đối mặt và làm chủ tinh thần để được yêu thương trọn vẹn hơn.
Vì sao chúng ta có xu hướng lặp lại mối quan hệ?
Ai cũng muốn mình được yêu thương, trân trọng và có các mối quan hệ lành mạnh để cuộc sống luôn tràn ngập niềm vui. Tuy vậy nhiều người lại vô thức bước vào các mối quan hệ tiêu cực hoặc là lặp lại sai lầm trong hành vi, cảm xúc khiến đối phương mệt mỏi. Điều này là do chúng ta bị điều khiển bởi 95% tiềm thức đã định hình từ thời thơ ấu:
1. Do ảnh hưởng từ cách hành xử trong gia đình và môi trường sống thời thơ ấu
Chúng ta có xu hướng gặp gỡ và có cảm tình với người giống cha mẹ mình hoặc cư xử giống cha mẹ trong mối quan hệ yêu đương nam nữ khi trưởng thành. Điều này cũng là bình thường bởi chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa, môi trường sống và các niềm tin từ thời thơ ấu.
Tuy vậy khi nhận về những thông điệp tiêu cực thì khi lớn lên chúng ta cũng vẫn lặp lại điều này trong mối quan hệ của mình cho dù bạn có muốn hay không. Điều này có nghĩa là chính những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại.
Đây chính là hiện tượng ép buộc lặp lại (Repetition compulsion) trong tâm lý học. Khi đó nhà tâm lý học Sigmund Freud sử dụng khái niệm này lần đầu tiên vào năm 1914. Ông cho rằng sự lặp lại quá khứ trong mối quan hệ và cả cách hành xử có thể là kết quả của nỗ lực “làm chủ” những tổn thương thời thơ ấu. Chúng ta vô thức đặt mình trong hoàn cảnh cũ để có thể tin rằng mình đang kiểm soát được tình hình và tìm cách thay đổi quá khứ. Thực tế điều này là không thể.
Tuy đây là phản ứng tự nhiên của não bộ để bảo vệ chúng ta nhưng nếu tiếp tục duy trì các ảnh hưởng này khi trưởng thành thì chỉ khiến chúng ta bị rơi vào các mối quan hệ tiêu cực và không thể có được cuộc sống tự do, bình an.
2. Do não bộ quen với sự thân thuộc
Chúng ta thường tìm thấy cảm giác dễ chịu với những người có đặc điểm quen thuộc và có thể dự đoán được cho dù nó đem lại tiêu cực thậm chí bạo lực.
Các nhà tâm lý học cho rằng việc lặp lại các mối quan hệ là do não bộ luôn tìm kiếm những cảm giác quen thuộc đã hình thành từ thời thơ ấu. Nếu chúng ta không biết về hiện tượng này và tìm cách làm chủ tinh thần của mình thì rất dễ bị thu hút bởi những người không phù hợp hoặc gây tổn thương đồng thời lặp lại chúng khiến sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
3. Do niềm tin rằng mình có thể thay đổi người khác
Việc lặp lại các mối quan hệ có thể là một giải pháp tối ưu của tiềm thức để tái hiện lại quá khứ với niềm tin rằng lần này mình sẽ làm tốt hơn để được yêu thương, không đổ vỡ hoặc được đối phương chấp nhận. Đây là hệ quả của việc chúng ta không biết cách yêu bản thân, từ chối nhu cầu của chính mình đã hình thành từ thời thơ ấu. Từ đó nhiều người ưu tiên người khác hơn với hy vọng được chấp nhận và thay đổi kết cục của mối quan hệ.
Vấn đề là nỗ lực này thường không đem lại hiệu quả bởi chúng ta không thể thay đổi bất cứ ai ngoài hành động và cách nhìn nhận sự việc của mình. Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này chúng ta cần tập trung vào điều mình có thể kiểm soát và nỗ lực tạo ra các thói quen mới để làm chủ tinh thần.
Làm thế nào để ngừng lặp lại mối quan hệ tiêu cực và sống tự tin tự chủ?
Đây là một số phương pháp mình đã hướng dẫn các học viên và đạt được hiệu quả:
1. Ghi nhận cảm xúc của bản thân. Mọi cảm xúc đều đáng được ghi nhận và không đáng sợ
2. Sống thức tỉnh để quan sát hành vi, cảm xúc cũng như xu hướng lặp lại các mối quan hệ tiêu cực của mình. Hay nói cách khác là sống thức tỉnh để tránh đi vào “vết xe đổ” của quá khứ
3. Chữa lành tổn thương thơ ấu, yêu thương đứa trẻ bên trong để các vết thương quá khứ không ảnh hưởng đến cách lựa chọn mối quan hệ và sự gắn bó trong hiện tại
4. Tìm về bên trong thấu hiểu mình để biết mình muốn gì từ đó cảm nhận và rung động với những người tích cực, phù hợp
5. Yêu bản thân và làm những việc mình yêu thích. Khi đó chúng ta sẽ tìm thấy chính mình và biết thế nào là tình yêu chân chính để chọn lựa
6. Thiết lập ranh giới cá nhân là cách mỗi người sống độc lập, bình đẳng và làm chủ tinh thần trong tình yêu.
Để thực hành những điều trên không dễ. Đây là cả quá trình thay đổi lối suy nghĩ, hành động và thiết lập thói quen mới. Chúng ta cũng cần học cách chấp nhận mọi thành tựu nhỏ nhất và cả thất bại của bản thân để luôn làm chủ tinh thần và có các mối quan hệ sâu sắc, lành mạnh. Bạn cần có sự quyết tâm, kiên trì thực hành và có người dẫn dắt để đi đúng hướng và vững tin hơn trên hành trình của mình. Bắt đầu ngay bằng việc hiểu về lý do mình có xu hướng lặp lại các mối quan hệ là cách chúng ta chấm dứt việc này và có được tình yêu đẹp.
My Nguyen
تعليقات