Mẹ nên làm gì để quản lý cơn giận và chữa lành những ký ức đã khắc sâu vào tiềm thức?
- My Nguyen
- 7 thg 9, 2021
- 5 phút đọc

Có học viên mới tìm đến mình và hỏi rằng: “Chị My ơi gần đây em rất dễ căng thẳng. Em cũng hay nổi giận với con và dù biết là sẽ để lại những ký ức không tốt nhưng em chưa thể kiềm chế được. Em muốn hỏi là khi em cố gắng sửa mình thì những ký ức đã in vào tiềm thức của con có thể lành lại không và làm sao để kiểm soát cảm xúc của mình?”.
Thực ra nhiều người trong chúng ta chưa biết cách điều tiết đúng với cảm xúc. Chúng không đáng bị “kiềm chế” bởi nếu làm vậy thì chúng ta sẽ luôn đề phòng, sợ hãi và không thể làm chủ tinh thần của mình. Tương tự như thế, sự tức giận, căng thẳng của người mẹ cũng vậy.
Nhiều người có xu hướng lặp lại các thói quen, khuôn mẫu hoặc cách hành xử trong quá khứ. Khi còn nhỏ chúng ta được đối xử và hình thành niềm tin thế nào thì khi lớn lên chúng ta sẽ vô thức làm vậy với những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng/người yêu… Và sau khi có con thì một số bà mẹ vô thức tác động điều đó lên con mình.
Có mẹ chia sẻ rằng con mình rất dễ tức giận, đánh bạn hoặc thường xuyên la hét khi không vừa ý. Ngoài ra cũng có bạn lại ít nói và sợ hãi. Những biểu hiện này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nếu bạn đang thấy mình có những hành vi hoặc cảm xúc khó kiểm soát với con thì rất có thể đó cũng là một trong các yếu tố tác động.
Bài này chia sẻ cho những người mẹ đang gặp vấn đề về cảm xúc và muốn được chữa lành bản thân, không phải hướng dẫn nuôi dạy con.
Những tổn thương trong quá khứ của mẹ ảnh hưởng thế nào đến con?
- Ngay từ nhỏ nếu người mẹ đã chịu tổn thương, thiếu thốn, bạo hành dù vì mục đích hoặc lý do là gì thì những điều đó sẽ in hằn rất sâu trong tiềm thức. Khi có con, dù ý thức được rằng mình không nên tức giận, đánh hoặc quát mắng con nhưng vô thức nhiều người vẫn không kiểm soát được và sau đó lại hối hận, bế tắc không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn.
- Hệ quả của điều này là người mẹ bị rơi vào mâu thuẫn giữa nỗi đau cũ trong quá khứ và cả cảm giác tội lỗi khi tác động tiêu cực lên con. Khi đó người mẹ cũng có cảm giác bất lực, bỏ bê bản thân, nghĩ mình không xứng đáng hoặc “không phải là một người mẹ tốt”. Khi đó những đứa con chính là người chịu hậu quả.
- Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại và nếu người mẹ không “tỉnh thức” để nhận ra vấn đề nằm ngay trong chính bản thân mình thì rất khó có thể cho con tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc.
Tỉnh thức ở đây chính là việc người mẹ dũng cảm nhìn nhận lại nỗi đau trong quá khứ của mình, cách nó tác động đến hành vi và cảm xúc đồng thời hệ quả nó đem đến cho mối quan hệ mẹ với con. Khi đã nhìn ra được gốc rễ vấn đề thì chúng ta sẽ biết được tầm quan trọng của việc chữa lành cho mẹ trước để phá vỡ vòng luẩn quẩn. Khi đó những đứa trẻ mới có được những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, bình yên.
Mẹ nên làm gì để quản lý cơn giận và chữa lành những ký ức đã khắc sâu vào tiềm thức?
Nếu bạn cảm thấy mình có vấn đề về cảm xúc thì không sao cả. Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như thế này. Quan trọng bạn đã nhận thức được. Sau đây là một số gợi ý để bạn có thể thay đổi bản thân:
Bạn cần học cách lắng nghe và đáp ứng các nhu cầu của mình về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Chẳng hạn như bạn cũng xứng đáng được có những phút giây thư giãn một mình, được nằm nghỉ ngơi vì mệt, hiểu rằng không phải làm một "bà mẹ hoàn hảo" vì chẳng ai hoàn hảo cả. Một số việc nho nhỏ bạn có thể thực hành hàng ngày, từng chút một để thay đổi và học cách yêu thương bản thân như uống nước khi khát, thức dậy và làm điều mình thích, gặp gỡ hoặc trò chuyện cùng bạn bè thân thiết … Điều quan trọng là bạn cần hiểu rằng việc thay đổi các thói quen cũ là cả một quá trình và chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn, thực hiện từng chút một để có được sự bình yên bền vững.
Bạn cần học cách ghi nhận cảm xúc của bản thân và thẳng thắn thừa nhận những điều mình chưa làm được để điều chỉnh. Khi bạn công nhận và chấp nhận cảm xúc bản thân thì bạn sẽ công nhận và chấp nhận cảm xúc của con. Từ đó, bạn sẽ kết nối gần gũi sâu sắc với con hơn.
Thay vì nhìn hành vi của con với góc nhìn của mẹ “con bám mẹ quá”. Hãy nhìn dưới góc nhìn của con “chúng muốn được yêu thương hay muốn được chú ý”. Bạn cần kiên nhẫn với con. Muốn vậy, trước tiên bạn cần kiên nhẫn với bản thân mình.
Khi chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong của bạn chính là cách giải quyết tận gốc những mâu thuẫn. Khi đã học được cách yêu thương, tôn trọng và làm lành những cảm xúc của chính mình, thì con trẻ sẽ noi gương của bạn và học cách thể hiện cảm xúc yêu thương và tôn trọng người khác 1 cách lành mạnh từ bạn. Nếu bạn không biết cách yêu thương chính bản thân mình, sẽ trẻ sẽ không học được cách yêu thương chúng và cho đi sự yêu thương.
Với kinh nghiệm tư vấn coaching 1:1 tâm lý cho học viên trong hơn 300 giờ mình thấy rằng cách tốt nhất mà các bà mẹ có thể làm cho con mình chính là chữa lành những tổn thương bên trong để bản thân mình bình an, quản lý tốt cảm xúc và biết cách tự yêu thương mình. Khi đó chúng ta mới có thể cho đi điều mà mình có, nuôi dạy con đúng cách và đem đến cho con những ký ức, tuổi thơ hồn nhiên và tạo ra cảm giác an toàn, nhất quán, bình yên.
My Nguyen
Comments